Trong diễn văn lần thứ năm trước Quốc hội vào đêm thứ Ba ngày 4 tháng 3 năm 2025 (diễn văn đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của ông), Donald Trump đã nhấn mạnh quyết tâm đòi lại Kênh đào Panama. “Chúng ta đã bắt đầu thực hiện […] Kênh đào này là dự án tốn kém nhất từng được xây dựng trong lịch sử đất nước chúng ta nếu quý vị so sánh với chi phí hiện đại. Nó đã được Chính quyền Carter cho đi với giá 1 đô la nhưng thỏa thuận đó đã bị vi phạm rất nghiêm trọng. Chúng ta không trao nó cho Trung Quốc, chúng ta đã trao nó cho Panama. Chúng ta sẽ lấy lại nó”, ông tuyên bố.
RELATED
|
Trump giải thích: “Kênh đào Panama được người Mỹ xây dựng cho người Mỹ chứ không phải cho người khác, nhưng những người khác có thể sử dụng nó. Nó được xây dựng với chi phí khổng lồ về máu và của cải của người Mỹ. 38.000 công nhân đã chết khi xây dựng Kênh đào Panama. Họ chết vì sốt rét, họ chết vì rắn và muỗi. Không phải là một nơi tốt để làm việc. Chính phủ phải trả cho nhân công rất nhiều tiền để đến đó, mặc dù biết rằng có 25% khả năng họ sẽ chết.”
Trump đã giao cho Ngoại trưởng Marco Rubio phụ trách việc thu hồi Kênh đào Panama.
Về mặt lịch sử, Colombia, Pháp và sau đó là Hoa Kỳ đã kiểm soát lãnh thổ xung quanh kênh đào này trong quá trình xây dựng. Pháp bắt đầu xây dựng kênh đào vào năm 1881, nhưng đã dừng lại vào năm 1889. Hoa Kỳ tiếp quản dự án vào năm 1904 và khánh thành kênh đào vào năm 1914. Hoa Kỳ tiếp tục kiểm soát kênh đào và Khu vực Kênh đào Panama xung quanh cho đến khi Hiệp ước Torrijos-Carter quy định về việc chuyển giao cho Panama vào năm 1977. Sau một thời gian kiểm soát chung của Hoa Kỳ và Panama, chính phủ Panama đã nắm quyền kiểm soát vào năm 1999. Hiện tại, kênh đào do Cơ quan quản lý kênh đào Panama của chính phủ Panama quản lý và điều hành.
Trở thành Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2024, Donald Trump bắt đầu chỉ trích mức phí đi qua Kênh đào mà Panama tính là quá đắt, cảnh báo về khả năng Trung Quốc kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến kênh đào và nêu ra khả năng Hoa Kỳ yêu cầu trả lại toàn bộ và ngay lập tức quyền kiểm soát kênh đào này cho Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội, Donald Trump cũng trực tiếp truyền đạt thông điệp tới người dân Greenland rằng “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ quyền tự quyết định tương lai của các bạn và nếu các bạn lựa chọn, chúng tôi chào đón các bạn đến với Hoa Kỳ. Chúng tôi cần Greenland vì An ninh Quốc gia và thậm chí là An ninh Quốc tế”. Trump không đề cập đến chính phủ Na Uy hay bất kỳ bước đi cụ thể nào hướng tới kế hoạch “Mua Greenland”.
Tổng thống Hoa Kỳ không tuyên bố bất cứ điều gì về “ý tưởng” sáp nhập Canada vào Hoa Kỳ như đã nêu ra nhiều lần trên các bài đăng trên mạng xã hội của mình, mặc dù ông vẫn nói đùa gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeu là “Thống đốc” vài giờ trước khi bước vào Hội trường để phát biểu.